Chiến lược Quốc gia về phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1920/QĐ-TTg, ngày 27/10/2011 và lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt. Đến ngày 25/10/2017, Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung tiếp tục khẳng định, Việt Nam sẽ loại trừ sốt rét vào năm 2030. Năm 2023, số bệnh nhân sốt rét ở nước ta còn ghi nhận là 448 ca, giảm 97,3%, số ca mắc sốt rét ác tính giảm 89,19%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 85,71% so với năm 2011.
Tính đến hết năm 2023, nước ta đã có 46 tỉnh được công nhận đã loại trừ bệnh sốt rét. Trong số 17 tỉnh, thành chưa loại trừ sốt rét, vẫn còn lây truyền tại chỗ, tuy nhiên, số thôn, bản có lây truyền tại chỗ ngày càng được thu hẹp. Hiện, Khánh Hoà và Lai Châu là 2 địa phương đang ghi nhận số ca mắc sốt rét nhiều nhất cả nước. Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế), nguyên nhân khiến số ca bệnh sốt rét gia tăng tại 2 địa phương này là do đa số người dân đi rẫy, lên rừng chưa ý thức được việc phòng chống muỗi đốt; một số dân tộc ít người có lối sống lạc hậu, cổ hủ, không triển khai các biện pháp phòng chống muỗi đốt…
TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết, để loại trừ được bệnh sốt rét, tất cả các ca bệnh, ổ bệnh phải được điều tra, xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và xử lý muỗi bằng phun tồn lưu, tẩm màn hóa chất và truyền thông cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, việc chẩn đoán xét nghiệm ở tuyến cơ sở gặp khó khăn do không có điểm kính hiển vi hoặc có kính nhưng xét nghiệm viên lâu ngày không nhìn thấy ký sinh trùng sốt rét nên kỹ năng phát hiện giảm dần. Nhìn chung để thực hiện mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2023, Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, Việt Nam là nước nhiệt đới, nhiều rừng núi nên véc tơ gây bệnh phát triển, khó kiểm soát, khó tiêu diệt véc tơ, nhất là trong rừng, rẫy. Hiện, chúng ta còn trên 6 triệu dân sống trong vùng sốt rét lưu hành.
Thứ hai, sốt rét ngoại lai đang có xu hướng tăng, nhất là sốt rét từ người đến từ châu Phi.
Thứ ba, "ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng artemisinin đặc biệt kháng thuốc sốt rét phối hợp có nguy cơ lan rộng..."- TS. Cảnh bày tỏ lo lắng.
Ngoài ra, việc quản lý dân di biến động cũng rất phức tạp mà ngành y tế không thể đảm đương được, cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể.
Thứ tư, nhân lực trong phòng chống sốt rét bị cắt giảm, kinh phí cắt giảm, các tổ chức quốc tế cũng giảm dần kinh phí khi dịch giảm. Điều này sẽ dẫn đến khoảng trống thiếu hụt nguồn lực tài chính cho công tác giám sát véc tơ và giám sát ca bệnh.
Vì vậy, nguy cơ sốt rét quay trở lại khi có ca bệnh ngoại lai hoặc thể ẩn (asymptomatic) phát bệnh lây thành dịch, do không được phát hiện sớm và xử lý thụ động không kịp thời.
Thứ năm, hệ thống cán bộ cơ quan phòng chống sốt rét còn thiếu về số lượng và yếu, nhất là tuyến huyện, xã. Ngay tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các địa phương cũng chỉ có 1 khoa phòng chống các bệnh ký sinh trùng, với khoảng 5-7 người; tuyến huyện, xã không đủ người để giám sát chủ động véc tơ, điều tra ca bệnh, ổ bệnh và tuyên truyền, vận động người dân.
Đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở cũng thường xuyên thay đổi, do đó việc nắm bắt công việc cũng cần có thời gian tiếp cận, cập nhật kiến thức.
Theo quy định, để loại trừ bệnh sốt rét, cần 3 năm liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân, đồng thời phải loại trừ bệnh theo nguyên tắc cuốn chiếu, từ xã/phường, huyện/quận đến tỉnh/thành. Vì vậy, để đạt mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét đến năm 2030, tức là chỉ còn 6 năm nữa thì còn nhiều khó khăn.
Để duy trì thành quả đã đạt được, hoàn thành mục tiêu Việt Nam loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và các đơn vị liên quan làm tốt những nhiệm vụ, kế hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, tham mưu xây dựng kế hoạch hoặc Chiến lược Quốc gia; đồng thời tham mưu việc thành lập Hội đồng tư vấn thanh toán bệnh sốt rét vào năm 2030 với sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn về phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng. Đối với những khó khăn, vướng mắc về công tác tổ chức, cán bộ, tài chính,…Thứ trưởng giao Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và các Vụ, Cục, Viện, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ, tham mưu trình Bộ Y tế giải pháp tháo gỡ cụ thể, kịp thời. Đồng thời, tích cực đôn đốc, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng tại các địa phương, cơ sở.
Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhấn mạnh: Để hoàn thành được mục tiêu Loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam vào năm 2030, cần có những giải pháp đồng bộ. Trước tiên, phải dồn tổng lực để về đích. Đó là xây dựng chiến lược loại trừ sốt rét để huy động sự tham gia của toàn xã hội và đầu tư ngân sách của địa phương thay thế nguồn viện trợ; duy trì tính bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, vận động chính sách; duy trì và sắp xếp lại hệ thống cán bộ làm công tác chuyên môn - hệ thống xét nghiệm, giám sát ca bệnh - lồng ghép hệ thống điều trị trong y tế - chủ động giám sát và phòng chống véc tơ; tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực; duy trì hệ thống giám sát, báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin. Song song với đó, tiếp tục các nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá về dịch tễ, véc tơ, kháng thuốc, cung cấp bằng chứng khoa học để đưa ra các hướng dẫn chuyên môn phù hợp; chủ động đánh giá và phòng sốt rét quay trở lại tại các địa phương đã loại trừ.