Phần mềm Đơn thuốc điện tử Quốc gia sẽ giúp người dân không còn cần dùng đơn thuốc trên giấy hay sổ y bạ như trước đây. Người dân sẽ mua thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam mà đảm bảo có đơn thuốc bằng mã đơn của chính mình. Điều quan trọng hơn, người dân được cảnh báo với các loại thuốc phải tái kê đơn, thuốc kháng sinh hay các loại thuốc cấm khác, được cảnh báo về đơn thuốc quá hạn, cần tái khám mới tiếp tục sử dụng. Bên cạnh đó, người dân có thể truy xuất ra bác sĩ đã kê đơn cho mình từ đó có thể kiến nghị phản hồi hoặc xin tái kê đơn.
Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trước thực tế hiện nay các bệnh viện kê đơn thuốc bằng máy tính trên phần mềm quản trị bệnh viện, nhưng mỗi bệnh viện có định dạng chuẩn dữ liệu khác nhau và không đồng nhất nên rất khó liên thông ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh. Cùng với đó các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vẫn áp dụng kê đơn thuốc vào giấy hoặc sổ y bạ, cũng rất khó để kiểm soát đơn thuốc của bác sĩ nào kê tại đâu cũng như bác sỹ có đủ thẩm quyền kê đơn thuốc không, khó kiểm soát được các nhà thuốc có thực hiện bán thuốc theo đơn không. Thậm chí một số đơn thuốc viết tay rất khó đọc hoặc kê đơn thuốc không đúng quy định (như kê thực phẩm chức năng và mỹ phẩm)… Đây là một trong những bất cập lớn. Do đó, Đề án đơn thuốc điện tử quốc gia sẽ khắc phục tình trạng tái bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và thuốc kiểm soát đặc biệt; thống kê, tổng hợp, phân tích việc kê đơn nhằm truy suất nguồn gốc và trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong trường hợp vi phạm và hỗ trợ công tác thanh kiểm tra.
Phần mềm đơn thuốc điện tử Quốc gia là nơi có thể tiếp nhận, lưu trữ đơn thuốc được gửi tới từ tác cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên phạm vi toàn quốc. Phần mềm này cũng chia sẻ đơn thuốc tới người bệnh và các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn thị trường.
Ngoài ra, phần mềm Đơn thuốc điện tử quốc gia sẽ ban hành các quy chuẩn như chuẩn đơn thuốc điện tử, chuẩn kết nối liên thông đơn thuốc điện tử, chuẩn mã định danh điện tử cho bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh… để toàn bộ các phần mềm đang có hoàn thiện, chỉnh sửa, nhằm đáp ứng liên thông gửi đơn thuốc tới Đơn thuốc điện tử quốc gia.
Hiện, Đề án này đang được thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên. Theo kết quả ban đầu hai địa phương này đều thực hiện phần mềm một cách dễ dàng và đáp ứng được yêu cầu./.