Trong công điện, Thủ tướng đánh giá tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường đã giảm trung bình 0,5% mỗi năm trong nam giới, song gần đây lại xuất hiện tràn lan thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Việc sử dụng các sản phẩm mới này có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhanh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý. Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm soát chặt việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bản kiểm soát của Hải quan; xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật.
Bộ Công Thương được giao chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Lo ngại sâu sắc về tác hại của thuốc lá thế hệ mới
Thuốc lá điện tử được vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc hương vị, thường hòa tan thành propylene glycol và/hoặc glycerine. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, hóa chất. Do vậy, mặt hàng này không phải là thuốc lá theo định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và không thuộc phạm vi điều chỉnh.
Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, sản phẩm thuốc lá mới gây nghiện do có chứa nicotine. Thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).
Ở thanh thiếu niên, theo kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra của WHO (GSHS 2019), Bộ Y tế (GYTS 2022), và kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023; ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3%.
Bộ Y tế cũng thông tin, tại Việt Nam mỗi năm có ít nhất là 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính.
Theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.