Apr 22, 2025

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DƯỢC

Thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng mua bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt tràn lan trên các trang mạng xã hội. Trước thực trạng này, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các nền tảng thương mại điện tử như Meta Platforms Inc, Shopee… yêu cầu tăng cường biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Điều này nằm trong bối cảnh Luật số 44/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược chính thức được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2024, có hiệu lực từ 1/7/2025, nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh dược phẩm trực tuyến.
Theo đó, Luật mới quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Cấm bán lẻ thuốc kê đơn (trừ trường hợp cách ly y tế khi có dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A), thuốc kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ qua kênh thương mại điện tử. Đồng thời, việc bán buôn thuốc kiểm soát đặc biệt trực tuyến cũng bị cấm, chỉ cho phép kinh doanh dược phẩm qua các kênh chính thống như sàn giao dịch, ứng dụng hoặc website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng. Ngoài ra, Luật cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh "chui" tại địa điểm không được cấp phép, dù dưới hình thức trực tuyến hay trực tiếp.
 
Để triển khai hiệu quả các quy định mới, Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dược, đảm bảo việc tuân thủ nghiêm các quy định về địa điểm kinh doanh, nguồn gốc thuốc và chất lượng sản phẩm. Trọng tâm là phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt trái phép hoặc kinh doanh tại địa điểm không đúng giấy phép. Các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, kèm theo công khai thông tin để răn đe.
Song song với công tác thanh tra, Cục Quản lý Dược yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Dược sửa đổi và các tiêu chuẩn “Thực hành tốt” (GPP, GDP) đến các cơ sở kinh doanh. Các đơn vị phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, từ khâu nhập hàng đến bán ra, đảm bảo chỉ giao dịch với đối tác có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Bên cạnh đó, cần phối hợp với cơ quan truyền thông địa phương vận động người dân chỉ mua thuốc tại nhà thuốc hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua hàng trôi nổi qua mạng xã hội. Người tiêu dùng cần trở thành “người tiêu dùng thông thái”, chủ động tố giác hành vi khả nghi để chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng.
Với hệ thống quy định pháp lý đồng bộ và giải pháp triển khai quyết liệt, ngành dược kỳ vọng thiết lập môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao uy tín của các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.