Jul 5, 2023

Khi nào quản lý được việc bán thuốc theo đơn?

(Chinhphu.vn) – Việt Nam có khoảng hơn 25.000 loại thuốc đang lưu hành (không bao gồm thực phẩm chức năng), trong đó có hơn 40% là các thuốc cần phải kê đơn mới được thực hiện việc bán, cấp phát. Tuy nhiên, việc quản lý bán thuốc phải kê đơn hiện nay còn gặp nhiều thách thức.
04/07/2023  16:11
Khi nào quản lý được việc bán thuốc "phải kê đơn" theo đơn thuốc? - Ảnh 1.

Theo quy định của Bộ Y tế, đơn thuốc ngoại trú chỉ có hiệu lực trong 5 ngày vì biểu hiện lâm sàng sau 5 ngày của người bệnh đã khác. Ảnh: VGP/HM

Vẫn có tình trạng mượn đơn thuốc để tự mua thuốc điều trị

Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về việc thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTG năm 2018 về việc tăng cường quản lý kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2018/TT-BYT và yêu cầu các cơ sở cung ứng thuốc phải có phần mềm quản lý.

Hiện, cả nước có khoảng 68.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Tất cả các cơ sở này đều đã có phần mềm đáp ứng kết nối liên thông lên Hệ thống Dược quốc gia. Tuy nhiên, việc quản lý bán thuốc phải kê đơn vẫn gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, các cơ sở này vẫn bán thuốc theo đơn giấy của người bệnh mang tới, mà không xác minh được đơn thuốc đó có đúng là từ cơ sở khám, chữa bệnh phát hành hay không, đơn thuốc đó người bệnh đã mua những thuốc gì, còn thiếu thuốc gì, mua đúng số lượng kê đơn hay chưa. Thậm chí, người bệnh có thể mua một đơn thuốc rất nhiều lần tại một, hoặc nhiều nhà thuốc; không ít trường hợp người bệnh mượn đơn thuốc của người khác để tự mua cho chính mình mà không cần khám bệnh.

Theo Thông tư 52/2017/TT-BYT về kê đơn thuốc ngoại trú, Bộ Y tế quy định rất rõ ràng: Đơn thuốc ngoại trú chỉ có hiệu lực trong 5 ngày, vì biểu hiện lâm sàng sau 5 ngày của người bệnh đã khác. Luật Dược và Thông tư 02/20218/TT-BYT cũng quy định về việc phải bán thuốc theo đơn với các loại thuốc cần kê đơn.

Việc tự ý mua thuốc cần phải kê đơn nhưng không có đơn, hoặc tái mua nhiều lần quá số lượng trên một đơn thuốc vẫn đang rất dễ dàng, khiến nước ta đang đứng trước mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng kháng sinh – hiện tượng vi khuẩn có khả năng chống lại tác động của kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

Để quản lý tình trạng bán thuốc phải kê đơn của bác sĩ, Bộ Y tế đã xây dựng đề án từ năm 2019 và thí điểm thành công việc vận hành Hệ thống Thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Hệ thống).

Đây là hệ thống tiếp nhận lưu giữ báo cáo đơn thuốc điện tử được kê từ phần mềm của các cơ sở khám, chữa bệnh, và thông qua người bệnh, đơn thuốc được chia sẻ tới phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc. Sau khi thực hiện bán, cấp phát thuốc cho người bệnh, phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc gửi báo cáo số lượng đã bán về Hệ thống để lưu giữ.

Khi người bệnh tới các cơ sở bán lẻ thuốc tiếp theo, cơ sở sẽ nhận được báo cáo về số lượng đã bán của cơ sở trước trên mỗi đơn thuốc từ kho dữ liệu quốc gia này, nên sẽ tránh được việc tái bán, hoặc bán quá đơn.

Sau quá trình triển khai thí điểm, Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm quy định các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện liên thông đơn thuốc quốc gia để quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

Khi nào quản lý được việc bán thuốc "phải kê đơn" theo đơn thuốc? - Ảnh 2.

Đơn thuốc điện tử đã được cập nhật trên Hệ thống Đơn thuốc quốc gia - Ảnh: VGP/HM

Số đơn thuốc liên thông hệ thống quốc gia còn rất chậm

Hệ thống Thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn đã được Bộ Y tế hoàn tất thủ tục xác lập tài sản công sở hữu toàn dân để đưa vào áp dụng thực tế. Việc triển khai liên thông đơn thuốc điện tử với Hệ thống không tốn kém chi phí đầu tư của các cơ sở y tế, các nhà thuốc và người dân, cũng như không ảnh hưởng tới quá trình khám chữa bệnh và cấp bán thuốc.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, theo con số cập nhật trên Hệ thống, các sở y tế đã liên thông trung bình từ 700.000 tới vài triệu đơn thuốc từ tháng 1/2023 tới nay. Tạm tính trên toàn quốc, số đơn thuốc đã liên thông trên Hệ thống khoảng hơn 40 triệu đơn. Trong khi đó, ước tính, mỗi năm, các cơ sở y tế trên toàn quốc kê khoảng 400-500 triệu đơn thuốc (bao gồm cả cơ sở y tế công lập và tư nhân).

Như vậy, số đơn thuốc điện tử đã cập nhật trên Hệ thống trong nửa năm qua còn quá ít, chiếm khoảng 20% số đơn theo thực tế, chủ yếu là từ các bệnh viện công lập từ hạng 3 trở lên.

Một số thống kê cũng cho biết, Việt Nam có hơn 60.000 cơ sở khám, chữa bệnh (bao gồm cả công lập và tư nhân), tuy nhiên đến nay mới chỉ có khoảng 12.000 cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc trên Hệ thống, chiếm gần 1/3 số cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay.

Rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân và các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tại nhiều địa phương vẫn chưa biết, hoặc "cố tình" chưa biết về việc phải kê đơn điện tử và bán thuốc cần phải kê đơn theo đơn thuốc điện tử.

Theo khoản 3 Điều 1 của Thông tư 04/2022/TT-BYT về lộ trình các cơ sở y tế phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, trước ngày 31/12/2022, các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải triển khai kê đơn thuốc điện tử; trước ngày 30/6/2023 sẽ áp dụng với các cơ sở khám, chữa bệnh khác.

Việc xử phạt trong lĩnh vực này cũng đã được quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, nhưng vì chưa ai "thổi phạt", nên các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc vẫn chưa thực thi đầy đủ.

Theo Bộ Y tế, việc triển khai hệ thống khép kín trên toàn quốc đối với đơn thuốc điện tử sẽ tránh việc mua thuốc tràn lan, hoặc "tự làm bác sĩ" như hiện nay, gây nguy cơ đối diện với nhiều mối nguy hiểm về sức khoẻ của người dân, đồng thời từng bước tiến tới bệnh viện không giấy tờ.

Để triển khai quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, phải có thêm các tác động mạnh mẽ nữa từ cơ quan quản lý nhà nước để Hệ thống thực sự đi vào cuộc sống nhằm nâng cao đời sống sức khỏe cho người dân và tránh tình trạng nhờn thuốc đang diễn ra ngày một đáng báo động.