Ung thư vú xuất phát từ sự biến đổi của tế bào tuyến vú, tạo thành khối u có thể xâm lấn tại chỗ và di căn đến các cơ quan khác, với các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh và lối sống.
Nhiều năm trở lại đây, độ tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Tuy nhiên nhiều chị em phụ nữ vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa có kiến thức về biện pháp tự khám vú tại nhà hay ý thức được tầm quan trọng của khám sàng lọc ung thư vú định kỳ. Phần lớn bệnh nhân ung thư vú đến khám và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài.
Theo các chuyên gia, ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm, việc điều trị sẽ càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Theo thống kê của Bệnh viện K, trước đây 70-75% bệnh nhân nữ phát hiện và điều trị ung thư vú muộn, tuy nhiên, nhờ công tác truyền thông, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đến nay số chị em phụ nữ đến khám, điều trị, phát hiện sớm bệnh này đã đạt trên 75%.
Nghiên cứu ở các nước châu Á cho thấy tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56-87%. Ở Việt Nam, bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể lên đến 90%, thậm chí một nghiên cứu gần đây trên nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm toàn bộ 10 năm ở giai đoạn sớm là trên 80%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều... Do đó các chuyên gia ung bướu nhấn mạnh vai trò của tầm soát sớm ung thư vú rất quan trọng.
Phụ nữ trên 40 tuổi được khuyến cáo tầm soát ung thư vú bằng siêu âm tuyến vú hoặc chụp X-quang tuyến vú 1 năm/lần. Với phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú, việc tầm soát cần được thực hiện sớm hơn, nên siêu âm tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú và chụp cộng hưởng từ tuyến vú 1 năm/ lần.
Các yếu tố thuộc nhóm nguy cơ cao bao gồm: tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử có kinh sớm (trước 12 tuổi) mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormone nội tiết estrogen thay thế, không sinh con hoặc sinh con muộn sau 30 tuổi… Nếu có một trong những yếu tố này, người bệnh được xếp vào nhóm nguy cơ cao mắc ung thư vú, cần được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn kế hoạch tầm soát cụ thể.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo chị em nên tự khám vú thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, các triệu chứng sớm của bệnh ung thư vú. Phụ nữ có thể tự khám vú của mình khi đứng trước gương hoặc ở tư thế nằm. Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt nên khám vú vào ngày thứ 7 sau chu kỳ kinh, lúc này tuyến vú mềm nhất.
Các triệu chứng sớm của ung thư vú có thể bao gồm:
- Xuất hiện khối u ở vú, gần xung quanh vú hoặc dưới nách
- Tiết dịch từ núm vú, đặc biệt dịch có máu
- Vết lõm da vú hoặc dày da vú
- Đau nhức vùng vú hoặc núm vú
- Biểu hiện tụt núm vú
- Thay đổi về kích thước và hình dáng vú
- Da vùng vú, quầng vú hoặc núm vú có vảy, đỏ hoặc sưng
- Vết lõm da vú giống như vỏ quả cam
Tầm soát ung thư vú không chỉ đơn thuần là thực hiện một quy trình y khoa mà còn là cơ hội để phụ nữ hiểu rõ hơn về cơ thể và chủ động chăm sóc bản thân mình.