Apr 10, 2025

CHẬM TRIỂN KHAI LIÊN THÔNG ĐƠN THUỐC QUỐC GIA

Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 27/2021/TT-BYT và Thông tư 04/2022/TT-BYT, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia theo lộ trình. Cụ thể, các bệnh viện hạng 3 trở lên cần hoàn thành việc triển khai trước ngày 31/12/2022, còn các cơ sở KCB khác phải hoàn thành trước ngày 30/6/2023.
 
Để thực hiện, Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các đơn vị cấp mã định danh cho cơ sở KCB và mã người hành nghề thông qua Hệ thống đơn thuốc quốc gia. Cục Quản lý Dược sẽ đảm bảo kết nối giữa hệ thống dữ liệu dược quốc gia và hệ thống đơn thuốc quốc gia, đồng thời hướng dẫn các cơ sở bán lẻ thuốc và người hành nghề dược triển khai thực hiện. Các cơ sở KCB phải gửi đơn thuốc điện tử lên hệ thống ngay sau khi kết thúc quy trình khám chữa bệnh đối với bệnh nhân ngoại trú và trước khi bệnh nhân nội trú ra viện.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Hội Tin học y tế Việt Nam, việc triển khai kê đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia vẫn chưa thực hiện đúng theo yêu cầu. Đến cuối năm 2024, có hơn 70.000 cơ sở bán lẻ thuốc đã được cấp tài khoản kết nối cung ứng thuốc, chiếm khoảng 97% tổng số cơ sở, nhưng vẫn còn khoảng 20% chưa cập nhật thông tin lên hệ thống. Trong khi đó, số cơ sở KCB được cấp mã đã đạt hơn 19.800 cơ sở trong tổng số gần 55.000 cơ sở, nhưng trong số này, khoảng 30% vẫn chưa thực hiện liên thông đơn thuốc quốc gia. Đặc biệt, với các trạm y tế, tỷ lệ thực hiện liên thông đúng quy định mới chỉ đạt khoảng hơn 50% trong tổng số hơn 11.000 trạm y tế trên toàn quốc.
Báo cáo từ các bệnh viện tuyến Trung ương cho biết, tình trạng liên thông đơn thuốc quốc gia ở nhiều bệnh viện vẫn chưa được triển khai đầy đủ. Đối với y tế tư nhân, mặc dù có khoảng 47.546 cơ sở đăng ký hoạt động, nhưng phần lớn các cơ sở này chưa thực hiện liên thông đơn thuốc quốc gia.
Một báo cáo của bệnh viện đầu ngành thuộc Bộ Y tế chỉ ra rằng, trong năm 2024, bệnh viện này ghi nhận trung bình 480 ca nhiễm khuẩn Gram- đa kháng khó điều trị mỗi tháng, cùng với khoảng 200 ca nhiễm khuẩn Gram+ kháng thuốc. Nhiều ca nhiễm khuẩn đa kháng không được xác định qua cấy vi sinh. Tình trạng mua bán thuốc, sử dụng thuốc kê đơn không có sự chỉ định của bác sĩ là một trong những nguyên nhân gây ra kháng thuốc, kháng kháng sinh.
Các chuyên gia của Hội Tin học y tế Việt Nam cho biết, việc kê đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia sẽ giúp minh bạch quá trình chỉ định thuốc, đặc biệt hỗ trợ kê đơn an toàn, nhờ vào khả năng cảnh báo khi có sự trùng lặp hoạt chất hoặc tương tác có hại. Đồng thời, việc này cũng giúp giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn khi mua và sử dụng thuốc, nhất là khi đơn thuốc viết tay có thể bị sai sót hoặc khó đọc.