Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cả nước liên tiếp xảy các vụ ngộ độc thực phẩm vô cùng nghiêm trọng. Cụ thể vào đầu tháng 05/2024 liên tiếp có 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Mới đây nhất là vụ ngộ độc tập thể trưa 14/05/2024 xảy ra tại một công ty ở Vĩnh Phúc với hơn 350 công nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Trước đó, vào giữa tháng 03/2024, một vụ ngộ độc cơm gà tại quán cơm gà Trâm Anh (TP. Nha Trang) khiến 368 người phải đến các cơ sở thăm khám, chữa trị.
Ngộ độc thực phẩm hay ngộ độc thức ăn là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm biến chất, ôi thiu, chất bảo quản hay phụ gia vượt quá liều lượng cho phép. Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện từ vài giờ đến vài ngày kể từ lúc ăn thức ăn nhiễm độc. Triệu chứng nặng hay nhẹ, kéo dài hay mau khỏi phụ thuộc vào tác nhân gây ngộ độc, lượng thức ăn tiêu thụ và hệ miễn dịch của người bệnh.
Theo thông tin được các bác sĩ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP. HCM) khuyến cáo cộng đồng, có 7 dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thực phẩm dễ bị bỏ qua, người dân cần ghi nhớ như sau:
Buồn nôn và nôn đều là dấu hiệu ngộ độc thức ăn điển hình. Lúc này, cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, gây ra những cơn nôn mửa kéo dài để bạn có thể "tống" tất cả thức ăn trong dạ dày ra ngoài càng nhanh càng tốt. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể bằng cách loại bỏ các tác nhân gây hại.
Trong một số trường hợp, mức độ nôn giảm dần sau 48 giờ. Ngược lại, cũng có những trường hợp nôn mửa liên tục với mức độ tăng dần.
Đau bụng
Nếu vô tình ăn phải những thực phẩm bị nhiễm khuẩn, niêm mạc dạ dày và ruột sẽ bị kích ứng, dẫn đến viêm và đau. Từ đó nạn nhân đau bụng với biểu hiện là đau co cứng ở vùng bụng, đau dữ dội hoặc quằn quại từng cơn.
Tuy nhiên, đau bụng còn là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi và quan sát biểu hiện đau bụng, để xác định do ngộ độc hay các bệnh lý khác.
Sốt
Sốt cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm. Lúc này, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao, khoảng 38 độ C để kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động, từ đó giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Tiêu chảy nhiều lần
Khi bị tiêu chảy, số lần đi ngoài sẽ tăng lên, phân nát, lỏng hoặc nặng hơn là phân lẫn máu. Tiêu chảy liên tục kèm theo nôn ói dễ dẫn đến mất nước, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Vì thế cần bù nước và theo dõi người bệnh thường xuyên khi xuất hiện đồng thời hai dấu hiệu ngộ độc thức ăn này.
Vã mồ hôi liên tục
Không phải lúc nào ngộ độc thực phẩm cũng gây ra đau bụng hay nôn ói đầu tiên. Có rất nhiều trường hợp, dấu hiệu ngộ độc thức ăn sớm là vã mồ hôi liên tục, ngay cả khi cơ thể đang nghỉ ngơi, không vận động hoặc ngồi trong môi trường mát mẻ. Cùng với dấu hiệu này, người bị ngộ độc còn có cảm giác khát nước và khô môi.
Mạch nhanh, thở nhanh
Một dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng ngộ độc thực phẩm cần chú ý là mạch đập nhanh, thở gấp hoặc có cảm giác khó thở.
Nếu đi kèm là các biểu hiện như loạn nhịp tim, đau ngực, da tím tái... thì rất có thể tình trạng ngộ độc đang trở nên nghiêm trọng hơn, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
Đau cơ
Khi vi khuẩn từ thực phẩm bị biến chất xâm nhập vào cơ thể, Histamin - chất giúp mở rộng các mạch máu nhằm giúp bạch cầu dễ dàng để chống lại nhiễm trùng, sẽ được giải phóng. Tuy nhiên, chất này cũng vô tình kích hoạt các thụ thể gây đau khiến người bị ngộ độc thực phẩm cảm thấy nhức mỏi cơ thể, đau cơ âm ỉ tương tự như khi bị ốm (cảm).
Khi xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc thức ăn, người bệnh cần nghỉ ngơi và bù nước. Bên cạnh đó, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế trong thời gian gần nhất để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm.
(Nguồn: Vnexpress)