Jun 18, 2024

Gia tăng đột quỵ não ở người trẻ - đừng bỏ lỡ giờ vàng điều trị

Đột quỵ đang ngày có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Mỗi năm có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% số ca xảy ra ở người trẻ và trung niên trong khoảng từ 15 đến 49 tuổi. Chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần nắm vững quy tắc cấp cứu nhanh, không bỏ lỡ giờ vàng điều trị.

Xu hướng gia tăng đột quỵ não ở người trẻ

Nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là căn bệnh ở người già trên 60 tuổi, tuy nhiên thực tế ghi nhận tại các bệnh viện, số người trẻ nhập viện do đột quỵ ngày càng gia tăng. Tại Khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số bệnh nhân trẻ (dưới 50 tuổi) chiếm khoảng 20-30%, có những bệnh nhân 12 tuổi đã nhập viện vì đột quỵ do dị dạng mạch máu não.

Bác sĩ cho biết, với đột quỵ não có 2 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được như bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa. Thứ hai là nhóm có thể thay đổi được, liên quan đến lối sống, cách sinh hoạt như: hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, thức khuya, lười vận động - đây cũng là nhóm người trẻ mắc nhiều, do vậy cần thay đổi để phòng tránh đột quỵ não nói riêng và các bệnh lý khác nói chung.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số quan điểm không đúng về đột quỵ - những điều này có thể làm trễ thời gian vàng điều trị, dẫn đến hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong, như:

- Cạo gió: Người bị đột quỵ thường có những biểu hiện giống với cảm như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, chóng mặt, đau đầu, khó nói… nên thường tự cạo gió, uống thuốc cảm. Tuy nhiên, việc này không có tác dụng với đột quỵ mà chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.

- Châm kim vào đầu ngón tay: việc này không giúp ích gì cho cứu chữa người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn, vì cơn đau do kim châm sẽ làm tăng huyết áp của người bệnh.

- Sử dụng thuốc không đúng cách: Tự ý sử dụng các loại thuốc đông y, không kê đơn vừa không mang lại hiệu quả điều trị mà thậm chí còn gây hại cho người bệnh do tạo tâm lý chủ quan, không đi viện sớm, làm trễ thời gian tốt nhất để điều trị.

- Chờ người bệnh ổn định mới đưa đi viện: Với trường hợp bị đột quỵ não nặng, rơi vào hôn mê, cần đưa người bệnh đi viện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý sợ tác động đến người bệnh sẽ làm máu chảy nhiều hơn, người bệnh cắn vào lưỡi, tử vong nhanh hơn… nên cố chờ người bệnh ổn định mới đưa đi viện, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời.

- Truyền bá tư tưởng sai lệch về điều trị đột quỵ: Thường gặp nhất là thực dưỡng đánh bay đột quỵ và tập luyện theo môn phái để điều trị đột quỵ. Tuy nhiên theo khuyến cáo của bác sĩ, các phương pháp này thực chất chưa có cơ sở khoa học để chứng minh hiệu quả, bên cạnh đó còn khiến người bệnh chủ quan, bỏ thuốc điều trị đang dùng, dẫn đến những trường hợp đe dọa đến tính mạng.

- Nhầm lẫn so với bệnh khác: Đột quỵ não nhẹ có triệu chứng giống với liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên và một số bệnh khác. Do vậy, khi người bệnh có biểu hiện méo mặt, khó nói, ăn rơi vãi… cần đến viện để thăm khám và tìm nguyên nhân chính xác. Ngoài ra, có thể áp dụng các quy tắc nhận biết đột quỵ sớm như FAST hoặc BE FAST để tránh nhầm lẫn cũng như cấp cứu kịp thời.

- Đợi bệnh tự hồi phục: Sai lầm này thường gặp ở người bị đột quỵ nhẹ như có cơn chóng mặt, đau đầu, tê bì chân tay, mệt mỏi… Khi có triệu chứng, người bệnh chủ quan không đi viện mà nghỉ ngơi tại nhà. Đáng tiếc, đa số trường hợp khi tỉnh dậy đã ở trong tình trạng nặng hoặc rất nặng, khi đến viện đã qua giờ vàng điều trị.

Nhận biết và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ

Giờ vàng điều trị đột quỵ thường nằm trong khoảng từ 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ. Nếu người bệnh được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan, hạn chế di chứng. Tuy nhiên, theo Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ có khoảng 2-3% bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng thời điểm 3 giờ vàng.

Tình trạng bỏ qua mất giờ vàng này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là, không phải ai cũng nắm được kiến thức về “giờ vàng” điều trị đột quỵ não. Thứ hai, nhiều người bệnh ở xa, khi di chuyển đến được bệnh viện đã là giờ thứ 3 hoặc giờ thứ 4. Thứ ba, công tác tổ chức cấp cứu đột quỵ khi đến viện diễn ra chậm, người bệnh có thể phải nằm tại khoa cấp cứu vài giờ để bác sĩ đến khám, chẩn đoán... rồi mới được đưa đi chụp mạch não.

Để nhận biết và cấp cứu nhanh cho người bị đột quỵ, có thể áp dụng quy tắc BE FAST - là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:

B (Balance - Thăng bằng): Người bệnh đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.

E (Eyesight - Thị lực): Người bệnh bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.

F (Face - Mặt): Đánh giá biến đổi ở mặt. Người bệnh có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch, biểu hiện rõ khi cười, nhe răng.

A (Arm - Tay): Cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh nhất là yêu cầu người bệnh giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (Speech - Lời nói): Khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

 

T (Time - Thời gian): Khi đã xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên, cần nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.