Trước đây, hồ sơ khám chữa bệnh thường được quản lý và lưu trữ dưới dạng văn bản giấy và phim, gây tốn kém chi phí, dễ nhầm lẫn, thất lạc. Ngày nay, theo dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế mang lại rất nhiều ưu điểm. Đến nay ngành y tế đã cắt giảm 92 thủ tục hành chính. Nhiều công nghệ được triển khai hiệu quả tại các cơ sở y tế như: điện toán đám mây (hạ tầng phát triển), internet vạn vật (kết nối và thu nhận, trao đổi dữ liệu y học), blockchain (đồng thuận và bất biến dữ liệu), trí tuệ nhân tạo (chức năng thông minh) và dữ liệu lớn (trung tâm của các hoạt động y tế), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim…
Nhờ chuyển đổi y tế số, các số liệu như bệnh nhân khám, đơn thuốc, tài chính... đều hiển thị đầy đủ và xem được ở bất cứ đâu nên lãnh đạo có thể can thiệp, điều chỉnh ngay nếu có tình trạng lạm dụng kê đơn, chỉ định xét nghiệm quá mức. Đặc biệt, chương trình khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã và đang giúp các bệnh nhân ở miền núi, hải đảo có thể được khám bởi các chuyên gia đầu ngành trong khi cách xa hàng ngàn cây số, không bỏ lỡ “thời gian vàng” cứu chữa người bệnh, giảm tải cho tuyến trên, từ đó giảm tối đa các ca tử vong...
Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin còn dễ thấy ở các khâu tiếp đón, thanh toán viện phí không dùng đến tiền mặt sẽ giúp thủ tục nhanh chóng, chính xác, minh bạch. Các bác sĩ, nhân viên y tế chỉ cần tập trung khám chữa bệnh, từ đó chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao hơn, người bệnh hài lòng hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế năm 2024, bắt buộc phải tập trung thực hiện và có kết quả tốt hơn. Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước.
Ngày 13/6/2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký ban hành Quyết định số 2491/QĐ-BYT phê duyệt Đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, chiến lược Chuyển đổi Số toàn diện của Bộ Y tế trong giai đoạn sắp tới sẽ đẩy mạnh 6 định hướng như: Xây dựng và ban hành kết cấu chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Phát triển hồ sơ bệnh án/hồ sơ sức khỏe/sổ sức khỏe điện tử; Tăng cường triển khai các mô hình bác sĩ gia đình, home-care; Phát triển kho dữ liệu hình ảnh y tế tại trung ương và địa phương; Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (Cloud, VR, AR…) trong chẩn đoán hình ảnh; Củng cố chính sách về lưu trữ và an toàn, bảo mật dữ liệu y tế.
(Tổng hợp nguồn từ vnexpress, Sức khỏe & đời sống)